Kim cương hồng là loại đá quý rất quý hiếm trong số các loại tài nguyên khoáng sản trên Trái Đất, và công thức chính xác hình thành nên chúng đã khiến các nhà khoa học đau đầu trong suốt một thời gian dài.
Mới đây, một nghiên cứu mang tính đột phá từ Argyle, Tây Úc, đã xác định được một sự kiện quan trọng cần diễn ra để kim cương hồng hình thành và xuất hiện gần bề mặt Trái Đất.
Phân tích cho thấy những tảng đá chứa kim cương ở mỏ Argyle, Tây Úc dường như đã hình thành từ khoảng 1,3 tỷ năm trước, dọc theo một vùng rạn nứt chia cắt siêu lục địa Columbia (Nuna).
Từ đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, thời điểm lớp vỏ ngoài của Trái Đất bị giãn ra, cũng là lúc những khối đá nóng chảy từ sâu bên trong Trái Đất được giải phóng, mang theo những viên kim cương màu hồng độc đáo.
Số kim cương hồng này được cho là kết quả của sự biến dạng. Đây là 1 trong 3 nguyên nhân chính đã khiến viên kim cương trở nên “không hoàn hảo”, để rồi mất đi màu sắc vốn có.
“Kim cương có thể chuyển sang màu hồng khi các lực mạnh bên trong Trái Đất làm biến dạng mạng tinh thể của chúng, từ đó thay đổi cách đá quý phản xạ và truyền dẫn ánh sáng”, một mô tả của nghiên cứu cho biết.
Sự biến dạng này chỉ xảy ra khi cấu trúc mạng tinh thể của kim cương bị xoắn và uốn cong, dẫn tới thay đổi khả năng truyền dẫn ánh sáng và mất đi màu trắng tự nhiên.
Bởi lẽ đó, kim cương màu thường là những loại hiếm nhất, khi chỉ chiếm khoảng 0,01% trong số những kim cương được khai thác trên khắp hành tinh. Màu hồng, xanh dương, xanh lá cây, tím, cam và đỏ đều rất hiếm. Trong khi màu vàng và nâu phổ biến hơn một chút.
Theo các nhà nghiên cứu, việc xác định sự hình thành của kim cương hồng có thể giúp chúng ta dễ dàng tìm thấy chúng hơn trong tương lai.