Ở một số nơi trên thế giới, những cơn gió dữ dội của bão được gọi là xoáy thuận nhiệt đới nên nhiều người nghĩ rằng chúng quét qua toàn bộ vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, trên thực tế, có một khu vực của vùng nhiệt đới mà bão hầu như không bao giờ hình thành, đó là vùng xích đạo.
Trong lịch sử, các bản đồ ghi lại vị trí của bão nhiệt đới, hay còn gọi là cuồng phong, cho thấy chúng rất hiếm khi hình thành trong phạm vi vài độ ở hai bên đường xích đạo. Nhưng vì sao chúng lại không xuất hiện ở khu vực này?
Câu trả lời nằm ở chỗ do đâu mà các cơn bão lại quay tròn? Đó là do Trái Đất quay. Tại đường xích đạo, ngay cả khi trời yên lặng nhất, Trái Đất và bầu khí quyển ở đây vẫn đang di chuyển với tốc độ hơn 1.600 km/ giờ theo hướng quay của Trái Đất từ Tây sang Đông.
Chu vi Trái Đất lớn nhất ở xích đạo, có nghĩa là bất cứ thứ gì nằm ở đường xích đạo đều di chuyển nhanh hơn về phía Đông so với bất cứ thứ gì nằm cách xa đường xích đạo.
Nếu không khí di chuyển từ đường xích đạo lên phía Bắc, khối khí này vẫn di chuyển nhanh về phía Đông so với môi trường xung quanh. Điều này có nghĩa là không khí di chuyển về phía Bắc dường như rẽ phải, và ngược lại không khí đi về phía Nam sẽ lệch về bên trái.
Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Coriolis và nó góp phần kiểm soát hướng xoay của các cơn bão nhiệt đới. Ở Bắc bán cầu, không khí quay sang phải sẽ tạo ra chuyển động quay ngược chiều kim đồng hồ và ở Nam bán cầu thì ngược lại.
Các cơn bão quay do chuyển động của môi trường xung quanh. Sự chuyển hướng đương nhiên này rất yếu ở gần xích đạo nhưng càng ở vĩ độ cao thì càng tăng lên. Đây chính là lý do vì sao xoáy thuận nhiệt đới hiếm khi hình thành gần đường xích đạo, vì ở vĩ độ cao (xa xích đạo) thì không khí chuyển động nhanh hơn, gió mạnh hơn, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của xoáy thuận nhiệt đới.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ kỳ lạ, ví dụ như năm 2001 ở Biển Đông, bão nhiệt đới Vamei tăng cường trong vòng 2 độ từ đường xích đạo, nhưng hoàn lưu của nó thì thực sự hình thành sớm hơn và cách xa đường xích đạo. Các nhà khoa học cho rằng những cơn gió tương tác với địa hình ở quần đảo Indonesia đã tạo ra vòng xoáy của Vamei.
Nếu một cơn bão nhiệt đới đi qua đường xích đạo, nó sẽ bắt đầu hút không khí quay theo hướng ngược lại, như vậy có thể khiến cơn bão suy yếu và tan rã. Tuy nhiên, một cơn bão cũng có thể đi qua đường xích đạo một chút vì vòng quay nghịch vẫn khá nhỏ khi ở vị trí đường xích đạo, nhưng một cơn bão cũng không thể vượt xa quá vài độ sang phía bên kia bán cầu.
Biến đổi khí hậu không ảnh hưởng đáng kể đến vòng quay của Trái Đất, cho nên nó không ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng một cơn bão đi qua đường xích đạo.
Tuy nhiên, nếu những cơn bão hiếm gặp ở vĩ độ thấp (gần xích đạo) có thể đạt đến cường độ mạnh và tình cơ di chuyển qua đường xích đạo thì chúng có thể tồn tại lâu hơn. Biến đổi khí hậu có thể làm những cơn bão mạnh lên và thử hình dung xem nếu là những cơn bão vốn đã mạnh thì chúng có thể trở nên hung dữ đến mức nào.