Nói đến khủng long, chúng ta nhớ ngay đến những loài bò sát khổng lồ, khát máu, và sự thống trị của chúng trong hơn 150 triệu năm.
Đó là một câu chuyện lịch sử được kể lại với đầy sự kịch tính, nhưng về cơ bản là sai ở một số điểm. Trong đó, khủng long có thể chẳng hề đáng sợ như bức tranh mà các nhà làm phim vẽ nên.
Khởi đầu của khủng long chỉ là loài bò sát nhỏ
Những loài khủng long lâu đời nhất mà chúng ta từng biết có niên đại khoảng 235 triệu năm tuổi, từ giữa kỷ Triassic.
Những phát hiện gần đây từ Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Âu, cho ta biết rằng chúng có kích thước không lớn hơn là bao so với một con chó, và là những sinh vật cao gầy, ăn tạp, chủ yếu gồm lá cây và bọ cánh cứng.
Ngược lại, họ hàng xa xưa của loài cá sấu lại phong phú và đa dạng hơn nhiều. Trong số họ hàng của cá sấu tại kỷ Triassic, có những loài ăn thịt với răng sắc nhọn chuyên đuổi theo con mồi lớn bằng 2 chân.
Chúng được bao phủ bởi những vảy và gai bằng xương, cùng mỏ gần giống đà điểu, và chuyên ăn cây dương xỉ.
Ngay cả khi những loài khủng long đầu tiên bắt đầu tiến hóa thành dòng dõi chính sẽ phát triển mạnh trong phần còn lại của Đại Trung Sinh, hầu hết chúng đều nhỏ và có số lượng ít hơn so với người anh em cá sấu.
Thế rồi, mọi thứ đã thay đổi vào cuối kỷ Triassic, khi những vụ phun trào núi lửa dữ dội làm thay đổi khí hậu toàn cầu, khiến nhiều dạng bò sát khác bị diệt vong, và khủng long dần trở nên thống trị.
Nếu sự tuyệt chủng hàng loạt này không xảy ra, chúng ta có thể đã có “thời đại cá sấu”, thay vì thời đại khủng long như lịch sử từng ghi nhận.
Khủng long chưa bao giờ tiến hóa để sống ở biển
3/4 diện tích bề mặt hành tinh của chúng ta là đại dương, và chúng ta không thể nói khủng long thống trị Trái Đất nếu như sự hiện diện của chúng tại đại dương chỉ là những con số vô cùng nhỏ bé.
Mặc dù một số loài khủng long đã tiến hóa để bơi lội, cũng như để lại dấu vết tích ở vùng nước nông thời cổ xưa, nhưng lịch sử chưa từng ghi nhận có loài nào tiến hóa để sống cả đời ở đại dương.
Ngay cả chim cánh cụt – loài mệnh danh khủng long sống – cũng chưa phát triển khả năng ở lại trên biển giống như nhiều loài động vật có vú ở biển, và phải quay trở lại đất liền để làm tổ.
Trong khi đó, nhiều loài bò sát biển phi khủng long với đủ loại hình dạng và kích cỡ khác nhau đã thống trị vương quốc dưới nước.
Chính dạng sống nhỏ bé, phong phú đã giúp những loài bò sát biển phát triển mạnh mẽ trong suốt hàng triệu năm, bất chấp sự thay đổi của khí hậu, hay những sự kiện tuyệt chủng hàng loạt diễn ra trên cạn.
Động vật có vú phát triển mạnh trong suốt Thời đại Khủng long
Trong 2 thập kỷ qua, các nhà cổ sinh vật học đã viết lại câu chuyện cổ xưa để chứng minh rằng, động vật có vú và họ hàng của con người thực ra đã phát triển mạnh mẽ cùng với khủng long.
Các thế hệ cổ xưa của sóc, gấu trúc, rái cá, hải ly, lợn đất… và nhiều loài khác đã tiến hóa qua kỷ Jura và kỷ Phấn trắng, bao gồm cả các loài linh trưởng sống ngay “trước mũi” của loài khủng long bạo chúa – được mệnh danh T. Rex.
Mặc dù sự thật là tất cả các loài động vật có vú trong Đại Trung Sinh mà chúng ta biết đến đều có kích thước nhỏ, song chưa hẳn đây đã là yếu tố cho thấy loài này thua thiệt so với khủng long.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng cách tổ tiên xa xưa của chúng ta tương tác với nhau đóng vai trò quan trọng hơn nhiều trong việc định hình quá trình tiến hóa so với khủng long.
Trên thực tế, ngay cả khi khủng long biến mất, hầu hết các loài động vật có vú sống sót sau đại tuyệt chủng vẫn tiếp tục tiến hóa với kích thước nhỏ. Điều này cho thấy đây chính là lợi thế sinh tồn mà nhiều loài động vật có vú có được, trong khi khủng long lại vô tình bỏ qua.
Và nếu như chúng không có được nét tinh tế trong hành trình tiến hóa này, thì việc khủng long thống trị trong suốt thời kỳ của chúng vẫn còn là một dấu hỏi lớn cần được làm rõ.