Cỏ Pili (tên khoa học Heteropogon contortus), còn có tên gọi là cỏ giáo đen, là một loại cỏ bụi nhiệt đới được phân bố rộng tại nhiều khu vực trên thế giới, từ Nam Phi, Nam Á, Bắc Úc, phía nam khu vực Bắc Mỹ đến cả quần đảo Hawaii (Mỹ)…
Cỏ Pili khi phát triển có thể cao đến 1,5m. Loại cỏ này thích nghi tốt với nhiều điều kiện điều kiện khí hậu khác nhau, từ khô đến ẩm ướt. Cỏ Pili thường mọc hoang, nhưng đôi khi, loại cỏ này cũng được con người trồng để làm cảnh quan hoặc làm thức ăn cho gia súc. Những bụi cỏ Pili cũng có tác dụng giữ đất chống xói mòn tốt. Người Hawaii bản địa còn sử dụng cỏ Pili để làm mái lợp nhà.
Tên gọi Pili có nghĩa là “dính chặt” hoặc “bám vào” trong tiếng của người Hawaii bản địa, nhằm ám chỉ về cách thức phát tán hạt giống của loại cỏ này trong tự nhiên. Hạt giống cỏ Pili sẽ được phát tán nhờ gió hoặc nhờ các loài động vật.
Hạt giống của Pili có kiểu dáng khá đặc biệt, bao gồm một đầu nhọn và một phần thân dài. Đặc biệt, hạt giống cỏ Pili có khả năng “thức tỉnh” khi tiếp xúc với nước và độ ẩm.
Khi bị ướt hoặc gặp độ ẩm thích hợp, hạt giống của cỏ Pili sẽ co giãn và uốn cong liên tục, tạo thành sự chuyển động, điều này giúp hạt cỏ Pili có thể chui vào các khe nứt hoặc lỗ nhỏ trong đất khô, giúp chúng phát triển thành cây cỏ.
Trong một số trường hợp, hạt giống cỏ Pili cũng sẽ bám chặt vào lông và da của các loài động vật, giúp hạt giống cỏ có thể phát tán được xa hơn.
Đôi khi, hạt giống cỏ Pili sẽ bám chặt vào vết thương hở của các loài động vật hoang dã, khiến các loài động vật này thiệt mạng vì bị nhiễm trùng. Thậm chí, có trường hợp hạt giống cỏ Pili chui sâu vào bên trong cơ thể của các loài động vật thông qua các vết thương hở, khiến các con vật trở nên rất đau đớn và thiệt mạng không lâu sau đó.
Chính cách phát tán và khả năng “thức tỉnh” đặc biệt của hạt giống đã giúp cỏ Pili có thể thích nghi và phát triển tốt trong nhiều điều kiện sống khác nhau, kể cả những điều kiện sống khắc nghiệt.
Theo ESS/Argic