Một sinh vật biển được nói đến trong các văn bản viết tay của người Bắc Âu từ thế kỷ XIII mà các nhà sử học cho là quái vật thần thoại giống như quái vật Kraken, thực chất là một con cá voi sử dụng cách săn mồi bằng bẫy miệng.
Các nhà khoa học mới chỉ ghi lại hành vi kiếm ăn này của cá voi khoảng 10 năm trước, sau khi họ phát hiện ra cá voi lưng gù và cá voi lưng xám bryde há miệng bất động trên mặt nước ở tư thế cơ thể thẳng đứng.
Những đàn cá không nghi ngờ gì mà tưởng những chiếc răng hàm trong cái miệng há hốc của cá voi là nơi có thể trú ẩn và bơi thẳng vào cái bẫy đó.
Nhà khảo cổ học hàng hải John McCarty ở Trường đại học Khoa học Xã hội, Nghệ thuật và Nhân văn, Đại học Flinders, Úc, thuật lại rằng: “Tôi đọc một vài câu chuyện thần thoại Bắc Âu và nhận thấy sinh vật này giống với một loài cá voi lúc đang săn mồi. Khi chúng tôi nghiên cứu thêm, có thể thấy rõ ràng sự tương đồng là rất lớn.”
Các nhà sinh vật học đại dương, các nhà khảo cổ học và các chuyên gia ngôn ngữ đã hợp tác để nghiên cứu những điểm tương đồng giữa hành vi của quái vật thời trung cổ có tên là “hafgufa” trong các bản viết tay của người Bắc Âu cổ với cách kiếm ăn của loài cá voi ngày nay. Nghiên cứu này vừa được công bố ngày 28/2/2023 trên tạp chí Khoa học Động vật có vú ở biển.
Theo các nhà nghiên cứu, rất có thể người đi biển thời Trung cổ biết rằng hafgufa là một loài cá voi chứ không phải sản phẩm của trí tưởng tượng.
“Người Bắc Âu là những thủy thủ vĩ đại. Hầu hết các chuyến đi của họ là các chuyến đi câu cá, vì vậy họ có kiến thức sâu rộng về thủy triều, dòng chảy, kiểu sóng và các loài cá.”, Giáo sư Lauren Poyer ở Khoa Scandinavia học, Trường đại học Washington, Mỹ, cho biết.
Mặc dù vậy, một số tài liệu thời trung cổ cho rằng các thủy thủ đã thả neo tàu thuyền để vào bờ và đốt lửa trên lưng của hafgufa. Tuy nhiên, chỉ đến thế kỷ 18, các nhà văn mới viết về sinh vật này thành ra quái vật Kraken hay thậm chí thành nàng tiên cá. Giáo sư Poyer cho rằng “đó là sự lạm dụng các nguồn tư liệu thời trung cổ.”
Nhà khảo cổ học McCarthy nói rằng xu hướng về sau này thường là loại bỏ các thông tin từ thời trung cổ về thế giới tự nhiên vì cho rằng chúng sai lệch hoặc không chính xác.
Trên thực tế, mặc dù kiến thức nền tảng của người xưa khá khác biệt nhưng họ đã có thể mô tả chính xác về loài cá voi này vào thế kỷ XIII. Sau đó, do không giải thích được hiện tượng kiếm ăn này của cá voi, các nhà văn ở thế kỷ XVIII đã phát minh ra quái vật biển qua các tác phẩm của mình.
Trong các bản viết tay của người Bắc Âu cổ, hafgufa tỏa ra mùi thơm hấp dẫn các loài cá chui vào miệng nó. Theo nghiên cứu mới, mùi hương đặc biệt này có thể ám chỉ mùi “bắp cải thối” liên quan đến việc cá voi ăn mồi.
Cá voi lưng gù và cá voi lưng xanh bryde cũng tạo ra một mùi đặc biệt khi chúng nôn ra thức ăn để dụ nhiều con mồi hơn vào bộ hàm đang mở ra bất động của chúng.
Vậy tại sao gần đây các nhà khoa học mới phát hiện ra điều này? Lời giải thích có thể là ngày nay công nghệ phát triển như là máy bay không người lái đã tạo điều kiện cho chúng ta theo dõi quần thể cá voi dễ dàng hơn trước, hoặc là “quần thể cá voi mới bắt đầu phục hồi tự nhiên, trước kia do bị săn bắt quá nhiều nên có thể ảnh hưởng đến hành vi của chúng”, nhà khảo cổ học McCarthy giải thích.