Mới đây, sứ mệnh OceanGate Expeditions với sự tham gia của các nhà thám hiểm dưới đáy biển, các nhà khoa học, đã cử các thủy thủ đoàn lái tàu và lặn xuống độ sâu 2.900 mét ở Bắc Đại Tây Dương. Đích đến của họ là khám phá vùng biển nơi có xác con tàu Titanic nổi tiếng, bị đắm vào năm 1912.
Sứ mệnh đã khám phá ra một hệ sinh thái chưa từng được biết đến phát triển mạnh mẽ xung quanh xác tàu, gồm bọt biển, san hô, tôm hùm và nhiều loài cá.
Theo TS Steve W. Ross cho biết trong một thông cáo báo chí, hệ sinh thái biển dày đặc này cũng chính là nguyên nhân tạo ra một “đốm sáng” trên máy quét sonar, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1998 ở cạnh xác con tàu huyền thoại.
Lúc bấy giờ, người ta đã đặt ra rất nhiều giả thuyết cho “đốm sáng” kỳ lạ, nhưng không ai dám khẳng định đó là thứ gì.
“Chúng tôi không hề biết thứ gì tạo nên đốm sáng”, nhà thám hiểm kỳ cựu PH. Nargeolet, người đầu tiên phát hiện ra đốm sáng, cho biết. “Xuất hiện trên sonar, đó có thể là bất kỳ thứ gì. Thậm chí có khả năng là một con tàu đắm khác”.
Cũng theo TS Ross, nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm cơ hội để khám phá vật thể lớn xuất hiện trên sóng siêu âm này từ rất lâu rồi. Tuy nhiên mãi cho tới nay, họ mới có đủ kinh phí và điều kiện cần thiết để thực hiện chuyến thám hiểm.
Bên cạnh một đoạn phim tài liệu được ghi lại, các nhà khoa học cũng không quên lấy mẫu nước ở khu vực tàu đắm để phân tích DNA. Điều này cho phép họ đo lường mức độ đa dạng sinh học trong rạn san hô, cũng như cung cấp những thông tin quan trọng về cách mà những sinh vật biển sâu có thể sống sót, phát triển, phân tán.