Loafer là mẫu giày lười mang vẻ đẹp phóng khoáng rất riêng mà bạn có thể sử dụng trong mọi hoàn cảnh như đi làm, đi chơi, dự tiệc.
Sự ra đời của Loafer
Năm 1930, thuật ngữ “Loafer” lần đầu tiên được sử dụng để mô tả một loại giày lười thông thường dùng cho cả nam và nữ. Thiết kế của nó rất đơn giản: không có dây buộc hay khóa, gót thấp, đế bằng. Phần thân giày thường được làm từ da mềm hoặc da lộn, phần đế làm bằng cao su.
Nguồn gốc của Loafer gây ra khá nhiều tranh cãi. Một số người tin rằng Loafer là kiểu giày đặc trưng của người nông dân Na Uy. Một số khác lại cho rằng giày da đanh của người Mỹ bản địa mới là nguồn cảm hứng cho thiết kế.
Dù có xuất phát điểm như thế nào đi chăng nữa, giày Loafer vẫn nhanh chóng trở thành lựa chọn được yêu thích bởi cả nam và nữ giới. Chúng được sử dụng phổ biến trong các dịp thông thường (như đi dạo, đi cafe) và cả môi trường công sở. Tuy nhiên, phải đến những năm 1950, Loafer mới bắt đầu được công nhận là một biểu tượng thời trang đúng nghĩa.
Sự trỗi dậy của Loafer
Khoảng những năm 1930, tạp chí Esquire và Rogers Peet Co. đã liên hệ với G.H. Bass & Co. để sản xuất một phiên bản mới của Loafer, được gọi là “Weejun”.
Weejun nổi bật với một dải da được đính ngang trên phần saddle của giày. Quảng cáo Weejun đầu tiên xuất hiện trên tờ The New York Herald Tribune và sản phẩm được bán trong cửa hàng Rogers Peet Co.
Weejun “Made in America” là loại giày được lựa chọn bởi tầng lớp thượng lưu của Mỹ vì chất lượng và kỹ thuật thủ công khéo léo. Trong những năm 1950 và 1960, Weejun tiến vào các trường Ivy League, nhanh chóng thu hút tầng lớp trẻ tuổi nhờ độ bền vượt trội, giá cả hợp lý và sự linh hoạt. Các sinh viên thường kết hợp giày với áo phông, quần jeans, đồ thể thao.
Giới trẻ Ivy đã góp phần tạo ra sức hút của đôi giày này với những cách riêng như mang Weejun không kèm tất và tạo ra thuật ngữ “Penny” Loafer.
Cái tên “Penny” Loafer được đặt ra do phần lưỡi giày có một khe nhỏ đủ để giữ một đồng xu. Ngày đó, điện thoại công cộng vẫn được sử dụng phổ biến nên nhiều sinh viên đã đặt một xu vào trong giày lười phòng trường hợp khẩn cấp. Khi sự nổi tiếng của giày lười tăng lên, thói quen bỏ một đồng xu vào khe giày cũng trở thành một cơn sốt thời thượng. Nhờ sự thành công của phiên bản Penny Loafer mà các phiên bản đến sau như Tassel Loafer cũng nhanh chóng thu hút được khách hàng mới.
Đến những năm 1970, Loafer vụt sáng trở thành một biểu tượng của phong cách preppy. Không chỉ sinh viên Ivy League mà cả những ngôi sao Hollywood cũng yêu thích chúng. Họ thường kết hợp giày với quần kaki và áo khoác blazer để tạo nên vẻ ngoài cổ điển, tinh tế.
Giày Loafer ngày nay
Trong những năm gần đây, các nhà thiết kế liên tục thử nghiệm các kiểu dáng, chất liệu và chi tiết trang trí mới để đa dạng hóa thế giới giày lười. Giày Penny Loafer cổ điển luôn là một biểu tượng được yêu thích vượt thời gian và dễ dàng ứng dụng. Nhưng ngày nay, trên thị trường còn có thêm rất nhiều mẫu giày lạ mắt đính tua rua hoặc trang trí lỗ broguing cho người tiêu dùng lựa chọn.
Dù khởi đầu chỉ là một mẫu giày khiêm tốn, Loafer đã dần phát triển thành một biểu tượng của phong cách cổ điển và sự sang trọng vượt thời gian. Từ trang phục thường ngày, cuối tuần cho đến phòng họp, giày Loafer là sự lựa chọn linh hoạt có thể đưa bạn đến bất cứ đâu.
Xem thêm: Blokecore – Khi đồng phục bóng đá trở thành nguồn cảm hứng cho thời trang xa xỉ