Mới đây, các nhà khoa học đến từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã tìm thấy nhiều mẫu DNA cổ đại, được chôn sâu trong lớp trầm tích hình thành hơn 20.000 năm ở một vịnh hẹp phía Bắc đảo Greenland.
Theo Eske Willerslev, nhà di truyền học từ Đại học Cambridge, những DNA này có niên đại từ khoảng 2 triệu năm trước. Đây là những dấu tích cổ xưa nhất từng được con người tìm thấy.
Điều thú vị là quá trình tái tạo cho thấy nhiều dạng sống có thể tương thích với khí hậu ôn hòa một cách đáng kinh ngạc, điển hình như tuần lộc, vượn cáo, ngỗng, thỏ rừng… Bên cạnh đó, các loài như kiến, bọ chét, san hô… cũng để lại dấu vết của chúng trong trầm tích, thân cây.
Từ đó, các nhà khoa học có thể tái hiện lại hệ sinh thái Trái Đất cổ đại, tạm gọi là Kap København, cách đây khoảng từ 1,5 – 2 triệu năm.
Trước đó, kỷ lục về dấu tích cổ xưa nhất từng ghi nhận thuộc về DNA của một con voi ma mút lông xù, được thu thập ở vùng lãnh nguyên Siberia có niên đại khoảng 1 triệu năm trước.
Công trình đáng kinh ngạc này thậm chí cho phép các nhà khoa học tái tạo lại một cảnh quan hệ sinh thái cổ xưa, từ đó hé lộ cho chúng ta thấy bức tranh thế giới khi con người còn chưa xuất hiện.
Willerslev cho biết việc thu thập được mẫu DNA này là vô cùng khó khăn, bởi những cấu trúc phân tử tương tự sẽ rất dễ bị phá hủy do áp lực môi trường, thời tiết và các quá trình địa chất.
Những DNA cổ xưa tồn tại đến ngày nay thường là số ít bị mắc kẹt trong răng và xương của động vật, sau đó bị bao phủ bởi lớp băng vĩnh cửu.
Đối với các nhà khoa học, đây là một bước tiến vượt bậc trong ngành giải mã DNA. Giờ đây, nhiều thành tố trong hệ sinh thái cổ đại như mẫu đất sét, thạch anh, trầm tích… có thể được chiết xuất và giải thích dựa trên những DNA thu được.