Du hành thời gian là khái niệm đã thu hút vô số các nhà văn, nhà tiểu thuyết, cũng như nhà các nhà làm phim trong thể loại khoa học viễn tưởng.
Đây là một thể loại phong phú đến mức trang Wikipedia thậm chí liệt kê hơn 400 đầu mục gồm các tác phẩm liên quan.
Những hình ảnh được gắn với du hành thời gian thường bao gồm việc các nhân vật sử dụng một phương pháp, hoặc một thiết bị nào đó, để quay về quá khứ hoặc tiến về tương lai xa hơn thực tại.
Thế nhưng, khái niệm cơ bản về du hành thời gian được khoa học định nghĩa thế nào, và liệu nó có khả thi hay không?
Du hành thời gian là có thể
Ông hoàng vật lý Stephen Hawking từng chỉ ra trong cuốn sách “Hố đen và vũ trụ sơ khai” rằng: “Bằng chứng tốt nhất mà chúng ta có được về việc du hành thời gian là nó không thể và sẽ không bao giờ xảy ra. Đó là bởi chúng ta chưa bị xâm chiếm bởi những du khách đến từ tương lai”.
Như vậy, Stephen Hawking rõ ràng đã phủ nhận việc con người có thể tiến tới khả năng du hành thời gian, dù là trong tương lai.
Thế nhưng ở một góc độ khác, khoa học cũng ủng hộ việc bẻ cong thời gian. Thí dụ như lý thuyết tương đối đặc biệt của nhà vật lý Albert Einstein đề xuất rằng thời gian là một ảo ảnh, và nó chuyển động tương đối với người quan sát.
Một người quan sát di chuyển ở tốc độ ánh sáng sẽ có trải nghiệm thời gian chậm hơn nhiều so với người quan sát khi đang đứng yên.
Đây cũng là lý do tại sao mà một số phi hành gia lão hóa chậm hơn, hay nói cách khác là ít già hơn, so với một người bằng tuổi ở Trái Đất.
Hai anh em sinh đôi Scott và Mark Kelly đã chứng minh luận điểm này, khi một người thì liên tục tham gia vào các sứ mệnh ở Trạm vũ trụ Quốc tế ISS, còn người kia hầu như luôn thực hiện công việc ở Trái Đất.
Rốt cuộc, Mark trông già hơn so với Scott khi hai người cùng so sánh những đặc điểm về lão hóa của cơ thể và khuôn mặt.
Sự khác biệt về trải nghiệm thời gian trong suốt cuộc đời của họ thực sự đã làm gia tăng khoảng cách tuổi tác giữa hai người đàn ông này.
Như vậy có thể nói rằng, du hành thời gian là hoàn toàn có thể. Có điều, khái niệm này không giống với thể loại mà ta thường được nghe trong các tiểu thuyết, hay bộ phim về khoa học viễn tưởng.
Nó cũng không có hệ quy chiếu “tuyệt đối” mà ta có thể tuân theo.
Hiểu một cách đơn giản, nếu bạn muốn du hành thời gian, đi tới tương lai, chỉ cần di chuyển tới nơi nào thời gian trôi chậm hơn trên Trái Đất.
Sau đó, khi bạn quay trở lại hành tinh Xanh, thời gian lúc này đã khác xa so với những gì mà ta được trải nghiệm, và bạn sẽ trở thành những “người cổ đại”.
Lỗ đen có thể đưa ta quay ngược thời gian?
Theo NASA, thuyết tương đối rộng của Albert Einstein có thể đưa ra những kịch bản cho phép du khách quay ngược thời gian.
Đó chính xác là những gì diễn ra bên trong các lỗ đen – nơi không phải lúc nào thời gian cũng đi về phía trước. Nhưng trên thực tế, điều này không hề dễ dàng.
Nhiều nhà khoa học đã từng đưa ra giả thuyết về đường chân trời sự kiện bên trong lỗ đen, cho thấy thời gian tại đây có đặc tính ngược với các sự kiện diễn ra bên ngoài.
Đó là bởi nó bao gồm một vùng không gian – thời gian có trường lực hấp dẫn cực lớn, ngăn cản mọi thứ kể cả ánh sáng thoát ra.
Nói cách khác, lỗ đen có thể chính là nơi phản chiếu hình ảnh của tương lai. Tại đó, vật chất bị hút vào bởi trọng trường vô cùng lớn, và thời gian sẽ trôi ngược bên trong bóng tối vĩnh hằng.
Tuy nhiên, đây chỉ là viễn cảnh được “đề xuất” bởi các nhà khoa học, và chưa thể được kiểm chứng, do lỗ đen vẫn còn quá bí ẩn đối với con người.