Chỉ bằng những bảng khắc gỗ đục bằng tay và màu sắc từ cây cỏ, người Việt xưa ở làng tranh Đông Hồ đã sáng tạo nên dòng tranh dân gian vô cùng độc đáo, là tinh hoa của cả dân tộc.
Làng tranh Đông Hồ – Tinh hoa nghề Việt hàng trăm năm tuổi
Từ Hà Nội chỉ cần đi khoảng 35km theo dọc bờ sông Đuống là đến được làng Đông Hồ, theo người dân địa phương làng còn có tên dân dã là làng Hồ. Nay làng thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Ngôi làng hiện giờ vẫn còn giữ được nhiều nét thuần Việt của làng quê Bắc Bộ. Ở bất kỳ nơi nào trong làng tranh Đông Hồ ta cũng thấy dấu ấn của nghề làm tranh.
Tranh Đông Hồ ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 16, với số lượng mẫu tranh vô cùng phong phú mà đến nay vẫn chưa ai thống kê hết. Thời cực thịnh của làng tranh là vào thế kỷ 19 đến những năm 40 của thế kỷ 20.
Thời đó người ta còn gọi tranh Đông Hồ là tranh Tết, bởi nó thường được sản xuất và bán trong dịp Tết Nguyên đán ở các chợ quê.
Trước năm 1945, ở làng có 17 dòng họ đều làm tranh. Sau cách mạng tháng tám, nghề làm tranh hầu như không còn người theo nghề. Mãi đến năm 1992 mới có người phục hồi nghề truyền thống.
Cũng giống như bao làng nghề truyền thống khác, làng tranh Đông Hồ phải đối mặt với nguy cơ mai một, thậm chí là biến mất, vì sức ép của nền kinh tế thị trường.
Từ 17 dòng họ, đến nay chỉ còn 2 dòng họ còn giữ nghề là dòng họ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam. Những người nghệ nhân phải thu mua, sưu tầm các bản khắc cổ của làng tranh từ xa xưa do người dân bán hoặc bị thất lạc.
Tranh dân gian Đông Hồ đặc trưng ở chất liệu làm tranh và cách in tranh. Sắc màu trong tranh được lấy hoàn toàn từ thiên nhiên. Màu trắng được lấy từ vỏ điệp, màu đen từ than lá tre, màu xanh từ lá tràm, màu vàng từ hoa hòe, màu đỏ từ sỏi son hay gỗ vang. Đây là những gam màu cơ bản, không pha trộn. Thường tranh Đông Hồ chỉ dùng 4 màu để tương ứng với số bản khắc gỗ.
Giấy làm tranh được làm thủ công từ vỏ cây dó, lớp điệp làm từ vỏ sò điệp. Tranh không được vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà người ta dùng ván để in. Một bức tranh được tạo thành bởi nhiều ván in khác nhau, mỗi ván ứng với một màu riêng biệt.
Không phải gỗ nào cũng có thể làm ván in, chỉ có gỗ thị, gỗ dổi hay gỗ vàng tâm là đạt yêu cầu vì gỗ mịn, nhiều thịt. Việc in tranh cũng đòi hỏi sự cẩn thận và kỳ công.
Tranh dân gian Đông Hồ là thế giới thu nhỏ của cuộc sống làng quê Việt Nam, khi xem tranh người ta có thể cảm nhận không khí quê hương thanh bình, bình dị và trong sáng. Từ cách thể hiện màu sắc, các nhân vật trong tranh đều có ẩn ý riêng.
Ta cũng có thể tìm thấy ý nghĩa nhân văn, đề cao cái đẹp, đề cao đạo lý làm người, giáo dục những phẩm chất tốt trong những bức tranh dân gian.
Ngày nay để tìm hiểu về văn hóa dân gian Việt Nam, du khách trong và ngoài nước có thể đến làng tranh Đông Hồ. Dòng tranh này cũng có mặt ở nhiều bảo tàng trong và ngoài nước. Nhiều nhà nghệ thuật học cũng đến làng để nghiên cứu về tranh.
Giá trị của tranh Đông Hồ đang dần được khẳng định trở lại. Những ai yêu quý dòng tranh này luôn tìm được một nét Kinh Bắc, một nét dân gian lưu giữ hồn dân tộc trong những nét tranh tươi trong.
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Làng tranh Đông Hồ – Tinh hoa nghề Việt hàng trăm năm tuổi tại cdgdbentre.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.