Nghĩ đến vùng đất Transylvania, hẳn bạn thường hình dung ra một thế giới của ma cà rồng và người sói. Giờ đây, bạn có thể thêm vào danh sách đó với một loài “khủng long lùn”. Một nhóm các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra một loài khủng long mới từng sống ở vùng này và đặt tên cho nó là “bò sát đầu bẹt Transylvania”. Nó thuộc nhóm khủng long lùn, và thay vì trở nên to lớn hơn như đồng loại của nó thường tiến hóa, loài khủng long lùn này lại tiến hóa để nhỏ đi.
Khủng long lùn Transylvania, thuộc họ khủng long chân chim ăn cỏ, sống cách đây khoảng 70 triệu năm vào cuối kỷ Phấn trắng. Vào thời điểm đó, thực vật có hoa đã tiến hóa và cùng với chúng là những loài thụ phấn đầu tiên, và tổ tiên xa xưa của loài chim mới bắt đầu tập bay. Siêu lục địa khổng lồ Pangea (Toàn Lục Địa) bị chia cắt thành nhiều lục địa nhỏ hơn, trong đó châu Âu là một quần đảo gồm các đảo nhiệt đới, giống như Indonesia ngày nay.
Trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí “Cổ sinh vật học có xương sống”, các nhà nghiên cứu đã mô tả một loài động vật mới được tìm thấy từ các mảnh xương trán và phần dưới của hộp sọ. Loài khủng long lùn Transylvania này chỉ dài 2 mét. Đầu của nó bẹt, to ngang và nó sống cùng các loài bò sát khác như cá sấu và rùa.
Một nghiên cứu trước đó cho rằng tính đa dạng của loài khủng long đã suy giảm đáng kể vào thời điểm này trong tiến trình lịch sử của Trái Đất, tức là ngay trước sự kiện tuyệt chủng hàng loạt đã kết thúc kỷ Phấn trắng. Nhưng phát hiện mới đây nói rằng đa dạng khủng long vẫn còn tồn tại ở châu Âu trong kỷ Phấn trắng.
Tác giả chính của nghiên cứu, Nghiên cứu sinh tiến sĩ Felix Augustin ở Trường đại học Tuebingen ở Đức, cho biết “với mỗi loài mới được phát hiện, chúng tôi đang bác bỏ giả định phổ biến rằng hệ động vật ở châu Âu vào cuối kỷ Phấn trắng có tính đa dạng thấp.”
Kích thước nhỏ bé của loài khủng long này khiến nó trở thành thành viên mới nhất trong gia đình khủng long lùn được tìm thấy ở vùng Hateg, Rumani. Nơi đây xưa kia là vùng Transylvania. Khủng long lùn ở Hateg là một nhóm khủng long tai tiếng đã thu hút các nhà cổ sinh vật học kể từ khi chúng được phát hiện vào đầu thế kỷ XX. Năm 2010, một nhóm nghiên cứu khác đã xác định rằng vào cuối kỷ Phấn trắng, một hòn đảo trải rộng khoảng 80.000 km2 ở Hateg là nơi sinh sống của những con khủng long lùn này.
Những hòn đảo thường là nơi sinh ra những loài nhỏ hơn bình thường. Ngày nay, có những con vượn cáo lùn trên một hòn đảo ở Bắc Madagascar và những con cáo lùn sống ở quần đảo California Channel. Mười nghìn năm trước, voi lùn và hà mã lùn cũng từng sinh sống trên các hòn đảo ở Địa Trung Hải. Trong một nghiên cứu được công bố năm 2021, các nhà khoa học đã phân tích hàng nghìn báo cáo về sự thay đổi kích thước cơ thể của hơn 1.000 loài và nhận thấy rằng “luật của đảo” thường đúng: qua nhiều thế hệ, các loài động vật to lớn có xu hướng nhỏ đi khi chúng bị cô lập trên một hòn đảo.
Có một vài giả thuyết giải thích cho việc động vật sống trên đảo trở nên nhỏ dần đi. Theo nhà nhân chủng học tiến hóa Caitlin Schrein, có thể việc thiếu các loài săn mồi lớn đã khiến các loài động vật trên đảo trở nên nhỏ bé. Nguồn thực phẩm trên đảo không đa dạng như trên đất liền khiến cho một số loài phát triển chậm lại. Và không có động vật ăn thịt lớn trên đảo, những động vật nhỏ hơn sẽ không bị loại bỏ khỏi quần thể.
Vào cuối kỷ Phấn trắng, khủng long chân chim Rhabdodontidae là động vật ăn cỏ cỡ nhỏ đến trung bình phổ biến nhất ở vùng đất ngày nay là châu Âu. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học lưu ý rằng họ hàng của khủng long lùn Transylvania đã được tìm thấy ở Pháp ngày nay, nơi xưa kia có thể là một hòn đảo độc lập. Khi quần đảo hình thành và mực nước biển dao động, những lối đi tự nhiên bằng đất giống như các cây cầu bằng đất nối liền các đảo có thể cho phép khủng long di cư và tiến hóa hoàn toàn tách biệt với nhau.
Theo nhà nghiên cứu Augustin, chúng thậm chí có thể đã di cư giữa các hòn đảo bằng cách bơi từng quãng đường ngắn. Ông nói “khủng long có đôi chân và chiếc đuôi khỏe, đặc biệt là loài bò sát biết bơi bẩm sinh.”