HomeKhám pháRãnh 94: Nghĩa địa hạt nhân vĩ đại hay bãi bom nổ...

Rãnh 94: Nghĩa địa hạt nhân vĩ đại hay bãi bom nổ chậm của nhân loại?

Rãnh 94: Nghĩa địa hạt nhân vĩ đại hay bãi bom nổ chậm của nhân loại? - 1

Tàu ngầm hạt nhân để lại bài toán hóc búa sau khi chúng ngừng hoạt động (Ảnh: Getty).

Trong suốt nhiều năm, Hải quân Mỹ từng tự hào về việc chế tạo thành công hàng loạt tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đây là công nghệ mang đến nhiều lợi thế về hiệu năng so với các loại tàu ngầm chạy bằng dầu diesel – điện trước đó.

Với nguồn năng lượng khổng lồ từ hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân có thể vận hành với tốc độ cao trong một thời gian dài, và thời gian tiêu thụ nhiên liệu cũng được mở rộng.

Tuy nhiên, khi tàu ngầm hạt nhân ngừng hoạt động, lò phản ứng không còn sử dụng phải được chuyển đi đâu đó và xử lý theo một quy trình khép kín mà không được gây rò rỉ phóng xạ.

Để giải bài toán này, Hải quân Mỹ đã xây dựng một khu vực được gọi là Rãnh 94 (Trench 94), nằm bên trong Hanford Site – tổ hợp sản xuất hạt nhân đã ngừng hoạt động ở phía đông bang Washington.

Nghĩa địa hạt nhân đặc biệt nguy hiểm

Rãnh 94: Nghĩa địa hạt nhân vĩ đại hay bãi bom nổ chậm của nhân loại? - 2

Những thùng chứa lò phản ứng hạt nhân ở Rãnh 94 (Ảnh: Getty).

Rãnh 94 có chiều dài khoảng hơn 300 mét, là nơi cất giữ tất cả những tàn tích của lò phản ứng – thứ sẽ giết chết bất kỳ sinh vật sống nào nếu chúng tới gần. Chính vì thế mà nó được gán cho cái tên vô cùng đáng sợ, là “nghĩa địa hạt nhân”.

Theo Popular Mechanics, toàn bộ quy trình “đóng hộp” lò phản ứng ở Rãnh 94 được thực hiện như sau. Đầu tiên, khi các lò phản ứng bị loại bỏ, chúng được cắt thành nhiều đoạn để loại bỏ lõi hạt nhân và nhiên liệu.

Trong khi nhiên liệu được gửi đến Phòng thí nghiệm quốc gia Idaho, thì phần còn lại được tháo ra bao gồm thân tàu, tấm chắn chì của lò phản ứng, hợp kim chịu nhiệt và bức xạ – được gọi là Inconel 600.

Theo Hải quân Mỹ, mỗi lò phản ứng tại thời điểm tháo dỡ còn lại khoảng 25.000 curie bức xạ. Đây là mức độ phóng xạ có khả năng giết chết một người trưởng thành chỉ trong vài giây tiếp xúc.

Chính bởi yếu tố đặc biệt nguy hiểm tới sinh vật sống và môi trường, nên các lò phản ứng này được xử lý đặc biệt phức tạp.

Rãnh 94: Nghĩa địa hạt nhân vĩ đại hay bãi bom nổ chậm của nhân loại? - 3

136 thùng chứa tại cơ sở đặc biệt thuộc tổ hợp sản xuất hạt nhân Hanford Site, bang Washington, Mỹ (Ảnh: Getty).

Chúng sẽ được đóng vào các thùng chứa đặc biệt, rồi vận chuyển ngược dòng sông Columbia, tới Cảng Benton. Tại đây, chúng được vận chuyển bằng xe tải đến địa điểm lưu trữ cuối cùng ở Hanford, Washington.

Mặc dù không công bố cụ thể số lượng bao nhiêu thùng đã được đóng, song bằng ứng dụng Google Maps, có thể đếm tổng cộng 136 thùng chứa lò phản ứng. Mỗi thùng trong số này tương ứng với tàn tích của 1 con tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Được biết đến với tên gọi “Thùng chứa có tính toàn vẹn cao” (HIC), các thùng này được thiết kế để giữ các lò phản ứng trong ít nhất 300 năm, chịu được nhiệt độ khắc nghiệt, điều kiện khí hậu đa dạng, và chống va đập khi bị rơi ở độ cao 9 mét.

Các thùng phóng xạ này cũng được thiết kế để không thể dễ dàng mở ra. Ước tính, số lượng curie bức xạ bên trong thùng sẽ giảm dần do sự phân rã phóng xạ, nhưng vẫn có thể đạt mức 250 curie sau 1.000 năm.

Hệ lụy cho các thế hệ tương lai

Rãnh 94: Nghĩa địa hạt nhân vĩ đại hay bãi bom nổ chậm của nhân loại? - 4

Khu vực chứa phóng xạ chưa hết chu kỳ bán rã có thể trở thành quả “bom” nổ chậm cho các thế hệ sau (Ảnh: Getty).

Số lượng các thùng phóng xạ ở Rãnh 94 đã tăng đều đặn trong những năm qua khi Hải quân thay thế các tàu ngầm hạt nhân thế hệ đầu.

Các thùng mới nhất thuộc về thế hệ tàu ngầm Los Angeles đã nghỉ hưu, và sắp tới là tàu USS Enterprise. Cuối thập kỉ này, các tàu ngầm Ohio và tàu sân bay Nimitz cũng sẽ chung số phận.

Ước tính trong vòng 20 năm tới, Rãnh 94 sẽ bổ sung thêm khoảng 50 thùng.

Đây là cái giá phải trả cho sức mạnh quân sự, hay còn được cho là mặt trái của khoa học công nghệ. Bởi vì cứ mỗi con tàu được tạo ra, thì nhân loại phải đương đầu với các vật liệu bị loại bỏ có tính phóng xạ cao, đặc biệt nguy hiểm trong hơn 1.000 năm.

Hiện nay, có 6 quốc gia sở hữu hạm đội tàu ngầm hạt nhân, gồm: Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên theo thời gian, sẽ có thêm nhiều quốc gia được bổ sung vào danh sách. Cùng với đó là nhiều tàu ngầm hạt nhân được đưa vào sử dụng. Điều này sẽ phát sinh thêm các địa điểm để chứa vật liệu phóng xạ không còn sử dụng.

Một số chuyên gia cho rằng, việc thúc đẩy công nghệ này đã khiến chúng ta vô tình tạo ra gánh nặng cho các thế hệ trong tương lai, khi buộc họ phải đương đầu với những thách thức mà không hề có sự chuẩn bị từ trước.

RELATED ARTICLES

Most Popular