Theo nhóm nghiên cứu, công trình tái tạo lại khuôn mặt của người phụ nữ kéo dài 6 năm, dựa trên các đặc điểm của hộp sọ được tìm thấy, dù nó bị vỡ thành hơn 200 mảnh.
Người phụ nữ Neanderthal được đặt tên là Shanidar Z. Bà là một trong 10 người Neanderthal được tìm thấy bên trong một hang động ở tỉnh Kurdistan, thuộc Iraq. Theo các nhà nghiên cứu, những người Neanderthal này xuất hiện từ 75.000 năm trước.
Trong đó, Shanidar Z có lẽ là cá thể Neanderthal được bảo tồn tốt nhất được tìm thấy trong thế kỷ này. Chính vì thế, bà đã được các nhà khoa học lựa chọn để tái tạo khuôn mặt.
Hình ảnh được nhóm công bố mang đến cái nhìn trực quan về tộc người “anh em” từng có họ hàng xa xưa với chúng ta, nhưng đã tuyệt chủng từ cách đây khoảng 40.000 năm trước.
Bà Emma Pomeroy, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết trong báo cáo: “Hộp sọ của người Neanderthal trông rất khác so với chúng ta”.
Theo bà, điểm dễ nhận diện nhất ở khuôn mặt của người Neanderthal trong các nghiên cứu là họ có đường viền lông mày rất lớn, cằm ngắn, phần giữa mặt nhô ra khiến chiếc mũi thêm phần nổi bật.
Dẫu vậy, khuôn mặt được tái tạo lại cho thấy những khác biệt đó không quá rõ ràng, thậm chí có nhiều nét tương đồng với người hiện đại.
Chuyên gia này cho rằng, có lẽ các đặc điểm tiến hóa, giao thoa với người hiện đại, đã được thể hiện ở khuôn mặt của người phụ nữ Neanderthal.
Đây là lập luận khá dễ hiểu, vì người Neanderthal là loài người sơ khai, tiến hóa từ cùng một tổ tiên chung với Homo sapien – con người hiện đại.
Trong suốt một thời gian dài, người Homo sapien và Neanderthal đã chung sống cùng nhau, và có sự tương tác nhất định.
Thậm chí, hầu hết những người còn sống ngày nay vẫn còn giữ DNA của người Neanderthal.