Các nhà khảo cổ học ở Wales vừa đào được những phần còn sót lại của hơn 240 bộ xương người, một nửa trong số đó là xương trẻ em, ở một nghĩa địa thời trung cổ. Nơi đây xưa kia là Tu viện Thánh Saviour, một thánh địa được thành lập vào năm 1256 bởi một dòng tu sỹ Dominican.
Mặc dù nghĩa địa này vốn dành cho các thày tu, nhưng cũng không có gì lạ khi người dân ở địa phương nộp một khoản phí nhỏ để chôn cất người nhà ở đây.
Bà Fran Murphy, Trưởng đoàn công tác khảo cổ của Quỹ khảo cổ học Dyfed, cho biết “Đây là nghĩa địa của thị trấn từ thế kỷ XII đến XVI. Tất cả mọi người đều được chôn cất ở đây chứ không chỉ các thày tu. Có thể coi đây là một hình ảnh về cộng đồng người dân địa phương.”
Các thày dòng sống ở Tu viện Thánh Saviour được gọi là “thày dòng đen” vì họ mặc trang phục tu hành màu đen. Họ thường giảng đạo trên đường phố và trở thành một phần quen thuộc của cộng đồng nơi đây.
Trong số các bộ xương được tìm thấy, một số có dấu hiệu chấn thương, bao gồm vết thủng hộp sọ, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có nhiều nguyên nhân và chưa thể kết luận chính xác cho đến khi tiến hành kiểm tra kỹ hơn. Mặc dù vậy, khu vực này đã bị quân đội của tướng Owain Glyndwr xứ Wales bao vây vào năm 1405 và có thể họ là nạn nhân của cuộc xung đột đó.
Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy một số hầm mộ ở đây, trong đó có một hầm chứa hài cốt của một người được cho là linh mục. “Trên tay ông cầm một chiếc bát làm từ hợp kim chủ yếu là thiếc, đặt trên một chiếc đĩa có hoa văn tương tự như chiếc bát đựng bánh được sử dụng trong lễ rước. Đồ tùy táng đó chỉ ra thiên chức của người cầm nó trong tay.” – bà Murphy cho biết.
Trong quá trình đào bới, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy một số gạch lát sàn trang trí công phu. Họ cho rằng đây có thể là di tích của một nhà thờ cũ từng được xây dựng ở đây.
Nhà thờ Thánh Saviour vẫn tồn tại đến thế kỷ XVI, khi nhà vua bán vùng đất này sau cuộc chia rẽ giữa vua Henry VIII với Nhà thờ Công giáo. “Chúng tôi cho rằng trong quá trình giải tán khu thờ tự này vào những năm 1500, nhà thờ bên cạnh nghĩa địa đã bị phá bỏ, nhưng chúng tôi không chắc vào thời điểm nào”, bà Murphu nói thêm.
Ngoài nghĩa địa, khu đất thiêng này xưa kia còn có một số tòa nhà là ký túc xá, khu viết sách, bệnh viện và chuồng ngựa.
Thời gian gần đây, khu đất này là cửa hàng bách hóa Ocky White và đã đóng cửa vào năm 2013 sau hơn một thế kỷ hoạt động. Các cuộc khai quật được tiến hành trong quá trình xây dựng lại tòa nhà này để trở thành một cửa hàng thực phẩm trong tương lai.
Ông Terry Edwards – Giám đốc điều hành của công ty John Weaber, nhà thầu xây dựng công trình này – nói rằng “các đồ tạo tác ở đây là một phần di sản của xứ Wales chúng tôi, là hiện vật lịch sử và văn hóa hiếm hoi, không thể tái tạo lại”.