Phương tiện vũ khí này được Ukraine gọi là “máy bay không người lái” trên mặt đất, có tên là Ratel S, tên gọi và thiết kế của nó lấy cảm hứng từ loài lửng mật (tên khoa học: Mellivora capensis) hay Ratel, đây là một trong những loài động vật hung dữ nhất thế giới.
Ratel S được điều khiển bằng hệ thống sóng vô tuyến, chạy trên bốn bánh xe. Đáng chú ý, nó có thể mang theo mìn chống tăng hoặc chất nổ và hoạt động như một phương tiện cảm tử, nhằm tiêu diệt xe bọc thép của quân đội Nga.
Vũ khí này vừa được Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine, Mykhaïlo Fedorov công bố. Nó được nghiên cứu và phát triển trong vài tháng dưới sự bảo trợ của Brave 1, đơn vị phát triển các công nghệ quân sự tiên tiến của Ukraine.
Sau khi thử nghiệm trên thực địa, hiện Ratel S đã đi vào hoạt động và sẽ tham gia trên chiến trường miền nam và miền đông Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Máy bay không người lái tự sát trên mặt đất
Ratel S sở hữu kích thước nhỏ và được trang bị động cơ điện, nó được thiết kế để chạy trên mọi địa hình và có khả năng di chuyển với tốc độ tối đa 24km/h, thời gian hoạt động của phương tiện này là 2 giờ.
Theo quân đội Ukraine, phương tiện vũ khí này có thể vượt qua chướng ngại vật cao tới 25cm, di chuyển trên địa hình tương tự như xe Jeep.
Quân đội sẽ điều khiển nó từ xa nhờ vào màn hình vô tuyến hoặc thông qua kính FPV, hình ảnh chiến trường sẽ được truyền về trực tiếp thông qua các camera được trang bị trên Ratel S.
Để mở rộng phạm vi hoạt động hoặc tăng khả năng thành công nhiệm vụ, Ratel S có thể được hộ tống bởi một máy bay không người lái, được trang bị các công nghệ xóa nhiễu giúp robot này có thể tiếp cận mục tiêu mà không gặp nhiều cản trở.
Khung gầm của Ratel S được thiết kế để mang mìn chống tăng TM-62, có thể chứa 7,5kg thuốc nổ, được kích hoạt từ xa khi robot áp sát mục tiêu. Nó cũng có thể mang được đạn súng cối 82mm.
Các chuyên gia đánh giá, chiếc máy bay không người lái mặt đất cảm tử cỡ nhỏ này chắc chắn sẽ phù hợp hơn các máy bay không người lái phóng lựu cỡ nhỏ có chất nổ (vốn trọng tải bị hạn chế), để chống lại thiết giáp Nga. Đây được cho là nỗi khiếp sợ cho các đội xe tăng hoặc xe bọc thép Nga.
Loài lửng mật (Mellivora capensis) là một loài động vật có vú, thuộc họ Chồn. Chúng có chiều dài cơ thể dài 55-70cm, và chỉ cao chưa đến 30cm.
Mặc dù có kích thước không lớn, song lửng mật lại ít nguy cơ bị săn lùng trong tự nhiên. Bí quyết nằm ở lớp da rất dày của lửng mật, đặc biệt là vùng da quanh cổ dày tới 6mm, cho phép nó chống đỡ hiệu quả trước những cú cắn chí mạng.
Bên cạnh đó, chúng cũng sở hữu đôi chân ngắn, nhưng đặc biệt cứng cáp, cùng với móng vuốt sắc nhọn, có thể được sử dụng làm vũ khí hiệu quả, bên cạnh hàm răng sắc nhọn.
Trong một số trường hợp, sự liều lĩnh và hung dữ của lửng mật cũng giúp nó đẩy lui kẻ địch to lớn. Đó là khi tinh thần và ý chí trở thành “vũ khí”, giúp con vật chiến thắng ngay cả trước khi lâm trận.
Đặc biệt nhất, chúng có khả năng đề kháng nọc độc rất hiệu quả. Các nhà làm phim về thế giới động vật từng chứng kiến cảnh lửng mật bị rắn hổ lục và rắn lục phì (hai loại rắn có nọc độc nhất) cắn làm nó lịm đi, tưởng chết.
Tuy nhiên, chỉ 2 giờ sau, lửng mật tỉnh dậy và vẫn khỏe mạnh như chưa có chuyện gì xảy ra